6 điều đã làm nên thành công của tỷ phú Trung Quốc Jack Ma

(25/05/2017)

Trong một cuộc nói chuyện với sinh viên Đài Loan, tỷ phú Trung Quốc Jack Ma nói rằng: "Nhìn vào Alibaba, mọi người cho rằng chúng tôi là một công ty may mắn, nhưng những cái giá phải trả, sự nỗ lực, khó khăn và cả những sai lầm mà chúng tôi từng trải qua đều lớn hơn tất cả sự tưởng tượng của mọi người. Phía những công ty thành công đều là những giọt nước mắt, sự tủi thân và sự thất bại."

Dưới đây là những chia sẻ từ chính Jack Ma về những kinh nghiệm khiến ông thành công.

1. Học tiếng Anh để mở rộng tầm mắt

"Tiếng Anh được coi là trợ thủ đắc lực cho sự nghiệp của tôi. Trong gia đình tôi, chẳng ai biết tiếng Anh nhưng tôi lại hứng thú với môn học này từ khi 11-12 tuổi. Hàng ngày, tôi đạp xe đến Hàng Châu để nói chuyện với du khách nước ngoài. Tôi làm hướng dẫn viên du lịch miễn phí. Tôi kiên trì làm điều này trong suốt 9 năm. Tôi từng cố tình đứng đọc tiếng Anh trước một nhà hàng để du khách chủ động đến gần nói chuyện cùng tôi.

Học tiếng Anh không chỉ để biết một ngoại ngữ mà chính là học cách tư duy của người phương Tây. Mọi người nói rằng suy nghĩ của tôi rất phương Tây nhưng tôi thực ra chưa từng học ở nước ngoài một ngày nào. Tôi rèn cho mình một thói quen: khi người khác nói về phương Đông, tôi sẽ dừng lại và nghĩ một chút rằng nếu là phương Tây thì sẽ như thế nào? Khi mọi người nói về phương Tây, tôi lại nghĩ nếu mà là phương Đông thì sẽ ra sao?

Do vậy, thứ mà tôi học được không phải là ngôn ngữ mà là học văn hóa, và những kiến thức về những quốc gia khác. Ngày hôm nay, cũng chính vì thông thạo tiếng Anh nên tôi mới nắm rõ điểm xuất phát của đối phương."

2. Hy vọng người khác tốt hơn bản thân

"Tôi có được suy nghĩ này bởi quá trình trải nghiệm khi làm một giáo viên. Tôi đã phải vất vả 3 năm mới thi đỗ Học viện sư phạm. Thế nhưng khi mới vào trường, tôi không nghĩ rằng mình sẽ trở thành thầy giáo, tôi cực kỳ ghét việc làm giáo viên. Tôi ngày ngày đều nghĩ rằng sau khi tốt nghiệp sẽ đi làm một công việc khác. Tôi học khoa ngoại ngữ, khả năng biểu đạt tiếng Anh của tôi còn tốt hơn cả giáo viên.

Trong ngày tốt nghiệp, hiệu trưởng nói rằng sẽ phân tôi đến trường Đại học công nghiệp điện tử Hàng Châu. Ông ấy nói rằng tôi phải giảng dạy ở đó 5 năm mới được chuyển việc. Tôi hứa với ông ấy sẽ ở đó trong 5 năm nhưng sau khi đến đó tôi đã hối hận. Mỗi tháng tiền lương mà tôi nhận được là 90 nhân dân tệ. Lúc đó, chẳng có giáo viên nào tôn trọng tôi, người khác đều có tiền thưởng cuối năm, còn tôi không có.

Hai năm sau, khi Thâm Quyến mở cửa, có người nói sẽ trả tôi mức lương 120 nhân dân tệ nhưng tôi không đi bởi lời hứa ở đây. Thời gian cứ như vậy, 6 năm trôi qua, tôi trải qua những ngày tháng làm một giáo viên bình dị. Những ngày tháng đó đã giúp đỡ tôi rất nhiều sau này.

Tất cả người thầy đều có điểm chung là hy vọng học sinh có thể vượt qua mình, chẳng ai hy vọng học sinh phá sản, vào tù hay sống khổ sở. Với thói quen của người giáo viên, luôn muốn nói cho người khác biết những điều không đúng. Đến tận khi khởi nghiệp, tôi vẫn giống như một người thầy, tôi hy vọng nhân viên của tôi có thể vượt qua tôi, hy vọng nhân viên làm tốt hơn tôi và tôi chỉ cho họ những điểm mà họ làm sai."

3. Tài sản lớn nhất của con người là thất bại

"Tài sản lớn nhất của con người chính là những kinh nghiệm khi bạn trải qua thất bại. Tôi đã trải qua rất nhiều chuyện đen đủi, tôi từng bị từ chối làm việc ở hơn chục nơi. Tất cả những thứ đó khiến chẳng có ai nghĩ rằng tôi sẽ thành công, cha mẹ tôi cũng không nghĩ tôi sẽ thành công.

Tôi từng hỏi vợ tôi rằng "em hy vọng anh trở thành tỷ phú hay một doanh nhân khiến người khác tôn trọng. Cô ấy nói rằng anh không thể trở thành tỷ phú."

Bởi tôi đã quá quen với thất bại nên cảm thấy thất bại là chuyện hoàn toàn bình thường, rất nhiều lần thất bại mới có thể đổi lấy một lần thành công."

4. Start-up cần có tinh thần lạc quan

"Tôi may mắn được gặp và quen biết nhiều công ty khởi nghiệp (start-up) của thế giới và tôi phát hiện tất cả start-up đều có một đặc điểm chung đó là thái độ lạc quan. Về bản chất, tôi cũng không biết mình lại lạc quan như vậy.

Vào thời điểm năm 1999 muốn làm thương mại điện tử cho các doanh nghiệp Trung Quốc gần như là điều không thể. Chúng tôi gặp 10 khách hàng thì 10 khách hàng từ chối. Đó cũng là chuyện rất bình thường. Chỉ cần có một khách hàng, chúng tôi đã vui mừng lắm rồi.

Dù bạn là người Mỹ, người Trung Quốc, hay châu Âu, ban đầu bạn luôn cảm thấy mình không có cơ hội, người khác cướp mất cơ hội của bạn và cơ hội không bao giờ đến với chúng ta. Suy nghĩ đó là bình thường và cần vượt qua nó."

5. Kiểm tra lại vấn đề của mình

"Tôi phát hiện ra rằng tất cả những người thất bại, rất đông trong số họ đều cảm thấy đó là lỗi của người khác. Và yếu tố vô cùng quan trọng mà những người muốn khởi nghiệp cần có chính là học hỏi những kinh nghiệm thất bại của người khác.

Chúng ta chỉ nên lĩnh hội một chút kinh nghiệm thành công của người khác bởi thành công rất khó để bắt chước, rất khó để copy nhưng thất bại thường rất giống nhau. Làm kinh doanh giống như xuống biển hay trên chiến trường, có thể sống sót trở về chính là thành công.

Muốn trở thành một start-up nhất định cần biết những cửa nào không nên đi. Những yếu tố để thành công có rất nhiều nhưng yếu tố để thất bại cũng nhiều y như vậy. Kết hợp tất cả kinh nghiệm của những người thất bại, nghiên cứu một cách tỉ mỉ những sai lầm đó, tôi hy vọng mọi người bỏ chút thời gian để suy ngẫm về điều này."

6. Phải vượt qua sự kiên trì của những người bình thường

Một yếu tố vô cùng quan trọng chính là vượt qua sự kiên trì của những người bình thường. Có người hỏi rằng: Jack Ma, anh đã từng có ý định từ bỏ chưa? Câu hỏi này thực ra lại là điều mà rất nhiều đêm trong suốt hơn chục năm qua tôi vẫn nghĩ tới. Tôi từng nghĩ: "Không muốn làm nữa, chẳng có hứng thú gì cả" nhưng buổi sáng khi thức dậy tôi lại vẫn làm công việc của ngày hôm qua.

Tôi phát hiện có rất nhiều người trẻ tuổi ban đêm muốn tìm con đường khác cho mình nhưng sau khi thức dậy lại vẫn đi con đường cũ.

Đến ngày hôm nay, tôi chẳng thể lùi bước nữa, và nghĩ lại năm đó cái tôi có là sự bốc đồng. Những người đi cùng bạn ngày một nhiều, cũng bốc đồng y như bạn. Ước mơ chính là thứ bạn muốn làm, kiểu như khao khát thành phi hành gia. Tôi cho rằng ước mơ và lý tưởng khác nhau ở chỗ lý tưởng sẽ có cả một đám người ủng hộ, thấu hiểu, đưa lý tưởng biến thành hiện thực, và từng bước tiến về phía trước.

Nếu bạn muốn khởi nghiệp, bạn cần đặt câu hỏi rằng "sẽ có những ai cùng ý nghĩ với bạn?" Trong những năm khởi nghiệp Alibaba, tôi mở một cuộc họp 2 tiếng đồng hồ với 23 người bạn. Cuối cùng 22 người phản đối chỉ có 1 người ủng hộ. Thực ra, đôi khi những việc mà mọi người đều phản đối mà mình làm đúng thì cơ hội sẽ đến. Về cơ bản, khi mà chúng ta đưa ra một quyết định, hầu hết mọi người đều đồng tình thì cần đặc biệt cẩn thận. Bởi đối phương cũng sẽ nghĩ giống bạn, đó là việc mọi người cho rằng rất dễ dàng, mọi người cũng sẽ không nỗ lực.

Chúng ta cần đối mặt với những vấn đề này ở nhiều góc độ khác nhau. Tôi cho rằng điều này là yếu tố cơ bản rất quan trọng trong quá trình khởi nghiệp. Bỏ ra một chút thời gian tìm hiểu kinh nghiệm thất bại của người khác, kiên trì một chút, tiếp tục kiên trì thêm một chút nữa. Nếu bạn sợ cạnh tranh thì không nên làm kinh doanh, nếu bạn sợ bị người khác mắng nhiếc thì không nên khởi nghiệp"./.

Nguồn (Internet)

Các tin bài khác

Hotline:
0902 8 3 2006
Email:
kinhdoanh@wwadp.com.vn
© 2006 - 2024 (W&Wadp Co., Ltd). All rights reserved !