Sáu năm trước, H.A đầu tư 10 triệu USD vào một nhà máy dệt ở Nam Định, ấp ủ hoài bão về một doanh nghiệp làm ăn bài bản. Nhưng thực tế phũ phàng ập tới.
Công ty của chị rất chật vật trong việc tuyển dụng nhân công dù số lượng yêu cầu chưa tới 100. Không nhiều quản lý cấp trung đồng ý rời Hà Nội về Nam Định. Việc đào tạo lao động địa phương còn gian nan hơn. Chị áp dụng mô hình quản lý 5s (Sàng lọc, Sắp xếp, Sạch sẽ, Săn sóc và Sẵn sàng) của Nhật Bản nhưng nhân viên không hưởng ứng. "Em bỏ công ty cũ vì bên đó bắt áp dụng tiêu chuẩn ISO, nay chị lại cũng yêu cầu ISO với 5s, em ngại lắm", một nhân viên kỹ thuật thẳng thừng. H.A phải "nịnh" công nhân bằng cách bồi dưỡng mỗi người 50.000 đồng một buổi học.
Mỗi lần tuyển nhân viên mới là một lần chị đau đầu. Nhân viên cũ không chia sẻ kinh nghiệm cho nhân viên mới, hoặc tệ hơn, gây khó dễ. Mùa dịch Covid, lao động mất việc nhiều nhưng chị vẫn không tìm được nhân sự phù hợp. Có ứng viên được mời đến phỏng vấn, chưa kịp bàn về mức lương hay công việc đã lên mặt: "ôi giời, nhìn bãi gửi xe là biết công ty đang ở tình trạng nào".
Vốn đã quen với sự răm rắp của nhân viên trong hơn 10 năm kinh doanh ở nước ngoài, chị bị sốc văn hóa với những lao động ngay trên chính quê hương mình. Một buổi sáng, chị dậy sớm tất bật xuống nhà máy đốc thúc nhân viên chuẩn bị đón khách hàng tới thăm. Một nam bảo vệ bằng tuổi con chị lầm bầm: "việc gì phải xoắn". Lúc nhận giấy nghỉ việc, anh ta khinh khỉnh, chẳng tỏ ra hối hận hay buồn rầu.
H.A là bạn của gia đình tôi. Ngày trở về Việt Nam, chị hăm hở, mong ước tạo được nhiều việc làm, đóng góp cho cộng đồng thì giờ đây, câu chuyện với tôi luôn bao trùm sự lo ngại. "Chị chưa từng nghĩ mình sẽ đối mặt với những thách thức như vậy. Trình độ nhân viên kém có thể đào tạo, nhưng thái độ kém chị đành bó tay", H.A tâm sự.
Theo Tổ chức Lao động Thế giới, năng suất lao động của Việt Nam hiện xếp hạng 9/10 trong ASEAN, chỉ trên Campuchia. Với xấp xỉ 54 triệu người làm việc, quy mô nền kinh tế của Việt Nam đạt 262 tỷ USD vào năm ngoái - tương đương doanh thu của hãng Apple. Chất lượng nguồn nhân lực yếu là một trong những căn nguyên của năng suất lao động thấp. Mười năm qua, tỷ lệ lao động được đào tạo ở Việt Nam tăng nhẹ nhưng tới nay vẫn còn gần 77% chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Hồi tháng 7, một nghiên cứu của Ban Thư ký ASEAN cho thấy tỷ lệ lao động phi chính thức - những người làm công việc giản đơn, bấp bênh ở Việt Nam là 57%, trong khi ở Malaysia là 10% và Thái Lan là 37%.
Hố sâu ngăn cách về chất lượng nguồn nhân lực tồn tại rõ rệt giữa các nhóm. Theo Tổng điều tra dân số, dân số thuộc nhóm "giàu nhất" có tỷ lệ lao động qua đào tạo cao gấp gần 10 lần so với nhóm "nghèo nhất", trong đó khu vực thành thị cao gần gấp 2,5 lần khu vực nông thôn.
Hiện trạng lao động "nhiều nhưng yếu" của Việt Nam không chỉ khiến các chủ doanh nghiệp như H.A đau đầu mà có thể làm chùn chân những nhà đầu tư nước ngoài đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Ở tầm quốc gia, năng suất và chất lượng lao động thể hiện khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và tiềm năng tăng trưởng. Ở phạm vi doanh nghiệp, thiếu vắng lao động có kỹ năng, tinh thần chuyên nghiệp và khó tuyển dụng nhân tài đe dọa khả năng phát triển bền vững.
Một công ty tư vấn quản lý toàn cầu mới đây cho biết, những người giỏi có hiệu suất lao động cao gấp năm lần so với người trung bình. Ông bà ta cũng có câu "một người lo bằng cả kho người làm", chỉ sự lợi hại của những người biết làm việc khoa học, có phương pháp và tầm nhìn.
Năm 2004, với tư cách nhà báo, tôi được Bộ Ngoại giao Phần Lan mời tới Helsinki để tìm hiểu những thành tựu của nền kinh tế tri thức mà Phần Lan rất tự hào. Thời điểm đó, quốc gia này nhiều năm dẫn đầu bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu. Tôi vô cùng phấn khích khi tới thăm cơ quan đầu não của Nokia và gặp gỡ những nhân tài, khi đó tạo ra cuộc cách mạng 2G và làm mưa làm gió thị trường điện thoại di động toàn cầu. Cả tôi và họ đều không tưởng tượng nổi chỉ hơn 10 năm sau, nền kinh tế tri thức đã rầm rộ chuyển biến thành cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong con sóng mới này, Nokia cũng như rất nhiều tên tuổi khác, đáng tiếc, đánh mất hào quang ngay trong lĩnh vực mình góp phần kiến tạo.
Tôi thử liên hệ với bức tranh lao động Việt Nam, những lợi thế nhiều năm vốn được nhấn mạnh như cần cù, khéo tay nay trở nên lỗi thời. Đột phá về công nghệ tạo ra môi trường làm việc mới, lực lượng lao động mới, bộ kỹ năng làm việc mới và một thị trường lao động đầy cạnh tranh. Người tài thời 4.0 là những cá nhân thành thạo công nghệ, học tập liên tục, có khả năng làm việc xuyên biên giới và linh hoạt, sáng tạo. Mặt khác, thái độ cầu thị, tác phong chuyên nghiệp vẫn là những yếu tố gốc rễ tạo ra một lao động có chất lượng. Nguy cơ Việt Nam có thể rơi vào bẫy thu nhập trung bình đang hiển hiện.
Nếu không quyết liệt có một chiến lược ưu tiên nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chúng ta vẫn có thể đủ ăn, đủ mặc nhưng không tăng được năng suất, không tạo thêm được sự thịnh vượng và quan trọng nhất, không thể vươn lên làm chủ vận mệnh, ở từng cá nhân và trên bình diện quốc gia.
Định nghĩa lại chân dung người tài, cải thiện thái độ lao động đòi hỏi các nhà quản lý sửa lại tư duy trồng người qua các chương trình giáo dục và đào tạo tay nghề. Các tổ chức, doanh nghiệp cần những người có năng lực và hoài bão chứ không phải từ những phương án "cán bộ nguồn" hoặc"chủ nghĩa thân quen". Bằng cách mạnh dạn từ bỏ các giá trị lỗi thời, giáo điều, những lề lối quản lý quan liêu chúng ta mới có thể hình thành một xã hội cởi mở, đón nhận thông tin đa dạng, coi tri thức và sáng tạo là vốn quý nhất, hơn cả các nguồn lực truyền thống đang cạn dần. Đổi thay thực sự từ gốc rễ mới là động lực giúp Việt Nam không bị tụt hậu.
Cẩm Hà (Vnexpress)