Ngày xưa, đốt pháo là một trong những thú vui không thể thiếu của ngày Tết. Theo phong tục, việc đốt pháo đêm giao thừa có ý nghĩa xua đuổi tà ma, xua đuổi những điều xui xẻo, đưa tiễn những cái cũ để đón những điều mới, may mắn, tốt tươi, tiễn đưa một năm cũ với những nỗi vui buồn để đón năm mới với nhiều hy vọng.
Ngày nay, việc đốt pháo đã bị cấm. Bởi vậy nên mới có câu nói vui được cư dân mạng truyền nhau: "Tết xưa pháo nổ trước hè - Tết nay pháo nổ lên xe vô tù". Thay vào đó, hầu khắp các tỉnh thành trên cả nước đều có bắn pháo hoa đêm giao thừa.
Ngày xưa, mỗi dịp Tết đến, các gia đình đều cùng nhau quây quần gói bánh chưng, làm giò chả để ăn Tết.
Ngày nay, chẳng mấy ai tự gói bánh chưng hay giò chả nữa. Mọi người đều đi mua cho nhanh, gọn. Nhiều chị em còn ở nhà, lên mạng xem các địa chỉ bán hàng online và gọi mang đến tận nhà. Không những bánh chưng, giò chả, nhiều nơi còn cung cấp dịch vụ bán cỗ nguyên cả mâm, mang đến tận nhà và bày giúp gia chủ.
Ngày xưa, người ta quan niệm Tết là dịp để gia đình quây quần, sum họp. Mọi người thường đi chúc Tết, đến nhà người thân tụ họp, ăn uống.
Ngày nay xu hướng du xuân ngày càng phát triển. Người người, nhà nhà tranh thủ ngày nghỉ Tết để đi du lịch.
Ngày xưa, mỗi khi Tết đến Xuân về, những người con xa quê lại phải đón Tết trong hiu quạnh.
Ngày nay, công nghệ thông tin phát triển giúp Tết xa thêm ấm lòng. Dù không gặp mặt trực tiếp nhưng vẫn có thể chúc Tết qua điện thoại hay chat video với người nhà.
Ngày xưa, mỗi khi đến Tết mọi người rất háo hức vì được ăn ngon mặc đẹp. Cuộc sống khó khăn nên Tết là dịp duy nhất trong năm để sắm sửa. Thời đó, mọi người rất coi trọng việc ăn Tết.
Ngày nay, nhắc đến chuyện ăn uống ngày Tết là ai cũng sợ, cũng ngán. Người ta không còn háo hức với các món ăn ngày Tết nhiều như xưa bởi cuộc sống giờ đã dư dả, thịt cá không phải là của hiếm như ngày trước. Bây giờ, mọi người coi trọng việc nghỉ Tết, chơi Tết hơn là ăn Tết.
Nguồn (internet)