Thương hiệu là yếu tố để người tiêu dùng lựa chọn hàng hoá và dịch vụ của một doanh nghiệp. Thương hiệu góp phần duy trì và mở rộng thị trường cho doanh nghiệp, nâng cao văn minh thương mại và chống cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Trong điều kiện cạnh tranh gay gắt như hiện nay, việc các doanh nghiệp xây dựng cho mình và hàng hoá của mình những thương hiệu là điều hết sức cần thiết.
1. Thương hiệu là gì?
Thương hiệu là một cam kết tuyệt đối về chất lượng, dịch vụ và giá trị trong một thời gian dài và đã được chứng nhận qua hiệu quả sử dụng và bởi sự thoả mãn của người tiêu dùng (Brand Positioning – Jack Trout).
Thương hiệu là hình ảnh có tính chất văn hoá, lý tính, cảm tính, trực quan và độc quyền mà bạn liên tưởng tới khi nhắc đến một sản phẩm hay một công ty. (Building strong Brands – David A. Aaker).
2. Lí do Doanh nghiệp cần tập trung làm thương hiệu
Trước hết, thông qua thương hiệu người tiêu dùng tin tưởng hơn, yên tâm và mong muốn được dùng sản phẩm hàng hoá và dịch vụ của doanh nghiệp.
Tạo dựng được uy tín của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng thông qua các chiến dịch truyền thông, marketing mà doanh nghiệp tung ra.
Một thương hiệu được người tiêu dùng biết đến sẽ mang lại những lợi ích về doanh số lợi nhuận cho doanh nghiệp trong hiện tại và tương lai.
Đồng thời khi đã xây dựng được thương hiệu nổi tiếng, các nhà đầu tư sẽ không e ngại đỗ vốn vào doanh nghiệp; đối tác của doanh nghiệp cũng sẽ sẵn sàng hợp tác kinh doanh.
3. Chiến lược xây dựng thương hiệu
Xây dựng thương hiệu là cả một quá trình lâu dài đòi hỏi phải có một chiến lược chi tiết và phù hợp, sáng tạo của từng doanh nghiệp. Để làm nên một thương hiệu, doanh nghiệp cần phải quan tâm đến những vần đề sau:
+ Định hình chiến lược chung xây dựng thương hiệu
Quá trình xây dựng thương hiệu sẽ chịu ảnh hưởng của 2 yếu tố chủ quan và khách quan. Vì thế cần phải có một chiến lược cụ thể để định hướng các hoạt động và xử lí các sự cố xẩy ra. Điều quan trọng trong xây dựng chiến lược thương hiệu là phải xuất phát từ mục tiêu của doanh nghiệp. Vì thế chiến lược thương hiệu phải gắn liền với chiến lược sản phẩm, chiến lược đầu tư vàkế hoạch tài chính của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp có thể lựa chọn có thể lựa chọn 1 trong 2 chiến lược :
- Đi từ thương hiệu của từng hàng hoá đến thương hiệu của doanh nghiệp(chiến lược đa thương hiệu). Ưu điểm của chiến lược này là khả năng tiếp cận thị trường nhanh, hạn chế được nguy cơ rủi ro từ một thương hiệu cá biệt không thành công và phát triển nhanh các thương hiệu khác nhờ một thương hiệu thành công. Tuy nhiên chi phí rất lớn. Đây là cách mà các doanh nghiệp lớn thường lựa chọn
- Hoặc ngược lại từ thương hiệu chung của doanh nghiệp đến thương hiệu cho từng hàng hoá(thương hiệu gia đình). Ưu điểm của cách này là hạn chế rất nhiều chi phí cho phát triển thương hiệu. Đây là lựa chọn của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ
+ Đánh giá SWOT
Doanh nghiệp cần phân tích được những thuận lợi và khó khăn của mình để từ đó tìm ra hướng đi riêng phù hợp. Ma trận SWOT: Thuận lợi – Khó khăn – Cơ hội – Thách thức là một trong những phương pháp được nhiều doanh ngiệp sử dụng. Việc phân tích chính xác những yếu tố của SWOT đã mang lại cho nhiều Doanh nghiệp những thành công ngoài mong đợi.
Mô hình SWOT được ưa chuộng còn bởi các lý do như: Dễ thực hiện trong từng giai đoạn khác nhau và phù hợp với bất kỳ mô hình kinh doanh nào
+ Đặt tên, logo và slogan
Tên thương hiệu nên đặt theo công thức sau: Dễ nhớ, không trùng lặp , ấn tượng, ngắn gọn, đơn giản, dễ đọc, dễ nhớ, có tính văn hoá và gắn liền với đặc tính hoặc chất lượng hàng hoá ... nếu muốn trở thành một Thương hiệu lớn, cần:
Sự khác biệt và truyền cảm.
Đã được thử thách qua thời gian.
Tên gọi: Không nên dài quá 3 từ. Tên gọi có thể thay thế Logo và được sử dụng như Logo chỉ khi đảm bảo được yếu tố: Khác biệt và gợi cảm. Nếu tên gọi đi kèm với Logo, cũng cần được thiết kế như một Logo.
SLOGAN: Một SLOGAN thành công phải chứa đựng Thông điệp ấn tượng và khơi gợi được trí tưởng tượng của khách hàng về sản phẩm của mình. Khi sáng tạo SLOGAN, nên tính đến các yếu tố sau:
Quy tắc vàng: “Hướng về Khách hàng”
Có một mục tiêu nhất định và hướng đến mục tiêu đó.
* Ngắn gọn, dễ hiểu, dễ đọc.
* Không phản cảm.
* Nhấn mạnh vào lợi ích sản phẩm.
+ Xây dựng hình ảnh thương hiệu
Vì thương hiệu là “phần hồn” của nhãn hiệu, là uy tín và hình ảnh của Doanh nghiệp trong tâm trí khách hàng nên ngay cả khi doanh nghiệp đã có đầy đủ logo, tên gọi, đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, được pháp luật công nhận và bảo hộ... thì cũng chưa thể khẳng định Doanh nghiệp đã có thương hiệu.
Trên thực tế, các thương hiệu thành công thường là những thương hiệu mang lại nhiều cảm xúc, có tính cách riêng, có hình tượng đặc trưng và được chuyển tải cùng với thông điệp phù hợp.
Trong kế hoạch xây dựng và phát triển Thương hiệu, Doanh nghiệp cần phải giải quyết được những câu hỏi sau:
Sản phẩm/ Dịch vụ mà Doanh nghiệp đem lại cho Khách hàng mục tiêu có điểm gì Khác biệt/ độc đáo so với sản phẩm cùng loại?
Nếu coi Thương hiệu Doanh nghiệp như một Con người , thì Tính cách nào có thể trở thành Đặc trưng nổi bật?
Nếu coi Thương hiệu Doanh nghiệp như Một HÌNH ẢNH, thì Hình tượng nào là Bản sắc?
Thông qua hoạt động quảng bá, truyền thông và nỗ lực Marketing, Hình tượng thương hiệu doanh nghiệp được hình thành dựa trên sự cảm nhận, liên tưởng và nhận biết của Khách hàng mục tiêu và công chúng.
Một chiến lược truyền thông và Marketing có hiệu quả sẽ đảm bảo sự cảm nhận trùng hợp giữa Hình tượng Thương hiệu do Doanh nghiệp xây dựng với Thương hiệu nhận biết bởi Khách hàng mục tiêu.
+ Vạch kế hoạch xây dựng và quản trị thương hiệu
Mọi hoạt động, dù nhỏ nhất của doanh nghiệp cũng có thể trở thành Chương trình phục vụ cho Hoạt động Quảng bá và Quản trị Thương hiệu. Ngài Ralph Larson, Tổng Giám đốc hãng Johnson & Johnson đã phát biểu: “Danh tiếng phản ánh thái độ mà bạn bày tỏ hàng ngày và từ những việc nhỏ nhất . Cách mà bạn quản lý Danh tiếng của mình là cố gắng nghĩ đến nó và cố gắng làm đúng – hàng ngày ”.
Xây dựng và Quản trị thương hiệu không phải là một hoạt động có thể làm trong một vài tuần/ vài tháng/ hay vài năm. Thương hiệu, xét về bản chất, cũng giống như Một Con người; cần có sự chăm chút và tự nỗ lực vận động không ngừng để tồn tại/ phát triển và khẳng định vị trí trong cộng đồng. Điều đó cũng lý giải một thực tế là, các Thương hiệu mạnh/ hàng đầu thường thuộc về những Doanh nghiệp chú trọng nhiều nhất và chi tiết nhất đến hoạt động Quản trị Thương hiệu.
Việc xây dựng và quản trị thương hiệu là hoạt động đòi hỏi nhiều công sức và chi phí. Tuy nhiên, có thể được thực thi dưới nhiều hình thức khác nhau tuỳ từng hoàn cảnh và điều kiện cụ thể của Doanh nghiệp.
Đặc biệt Doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên chú ý:
Nên đầu tư vào việc bán hàng và chăm sóc khách hàng sau bán hàng. Đây là yếu tố quan trọng gây được tình cảm với khách hàng của mình. Biến tất cả các nhân viênthành các chuyên gia Quảng cáo và Marketing: Mỗi nhân viên cần hiểu rõ về Tiêu chí Kinh doanh và sứ mệnh của Doanh nghiệp. Mỗi thành viên phải trở thành một hình ảnh tiêu biểu cho Công ty qua cách họ giới thiều về Doanh nghiệp, qua trang phục và phong cách làm việc.
Không bao giờ có cơ hội thứ hai để gây ấn tượng đầu tiên.
Doanh nghiệp có kế hoạch kỹ lưỡng và tổng thể trước khi thực hiện kế hoạch Quảng bá/ Khuyếch trương/ PR. Tham khảo ý kiến chuyên gia, công ty tư vấn bởi họ là những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực thương hiệu và sẵn lòng hỗ trợ Doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Nguồn (Internet)